Lễ hội Katê Ninh Thuận: Níu chân du khách
VHO- Trong những ngày qua, ước tính có hàng vạn người Chăm theo đạo Bàlamôn và du khách trong cả nước, quốc tế đến tháp: PôKlong Grai, Pô Inư Nưgar, Pô Rômê và các thôn: Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) vui trẩy hội Katê. Lễ hội Katê năm 2023 diễn ra trong không khí vui tươi, rộn ràng với nhiều nghi thức văn hóa truyền thống đặc trưng đồng bào Chăm.
Đông đảo người dân, du khách vui hội Katê
Lễ hội Katê năm nay bắt đầu từ Lễ rước y trang Pô Inư Nưgar tại thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Theo ghi nhận của Văn Hóa, chiều 13.10, hàng ngàn người Chăm theo đạo Bàlamôn và du khách kéo về sân vận động trung tâm tại thôn Hữu Đức để tham gia nghi thức rước y trang nữ thần Pô Inư Nưgar và biểu diễn văn nghệ khai hội Katê 2023. Các bậc chức sắc Bàlamôn tiến hành các nghi thức thờ cúng theo truyền thống để rước y trang của Nữ thần xứ sở Pô Inư Nưgar. Tại các thôn, làng không khí rộn ràng, vui tươi bởi âm thanh của tiếng trống Paranưng, tiếng kèn Saranai vang xa khắp nơi. Cùng với đó các gia đình người Chăm đủ thế hệ dâng trầu cau, hoa quả tiến hành các nghi thức thờ cúng các vị thần linh, ông bà tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngày 14.10, rất đông đảo đồng bào Chăm và du khách đã kéo về các tháp chính trẩy hội Katê. Vui nhộn nhất là khu vực các tháp: Pô Inư Nưgar, tháp Pô Klong Garai, tháp Pô Rômê với các hoạt động như: Rước y trang lên tháp, mở cửa tháp và tiến hành các nghi thức tôn giáo, văn hóa, văn nghệ truyền thống.
Cả sư Hán Dậu (ở thôn Hữu Đức) cho biết: “Lễ hội Katê năm nay diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi. Hầu hết các gia đình đã trang trí nhà cửa, sắm sửa lễ vật để cúng dâng lên các vị thần linh, ông bà tổ tiên để cầu mong cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn”. Theo Cả sư Hán Dậu, ngày 13 và 14.10, Lễ hội Katê chỉ diễn ra ở các khu vực chính và đền tháp. Ngày 15.10, Lễ hội Katê tiếp tục diễn ra tại tất cả các làng, tộc họ và gia đình người Chăm Bàlamôn trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là dịp để người Chăm xa xứ trở về quê sum họp với người thân, gia đình.
Chị Nguyễn Như Nguyệt, một du khách đến từ TP.HCM cho biết, năm nào cũng vậy cứ đến dịp Lễ hội Katê là chúng tôi lại đến Ninh Thuận trải nghiệm không khí lễ hội. Các hoạt động văn hóa múa Chăm và các nghi thức thờ cúng thần linh của đồng bào Chăm là điều chúng tôi ấn tượng nhất. Việc duy trì lễ hội và giữ gìn các giá trị văn hóa đồng bào Chăm tạo nên những điều độc đáo, thú vị níu chân du khách. Trong khi đó, anh Trần Minh Tuấn, du khách đến từ Bình Dương cho rằng, văn hóa đồng bào Chăm là điểm nhấn nổi bật thu hút du khách tới đây. Ngoài ra Ninh Thuận còn là vùng đất có thiên nhiên tuyệt đẹp với biển, rừng, các thác nước hoang sơ, là điều kiện lý tưởng cho du khách đến trải nghiệm, khám phá.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Lễ hội Katê năm 2023 diễn ra trong 3 ngày từ 13-15.10, đây là một trong những lễ hội quan trọng và mang đậm tính dân gian của người Chăm và đã thành lễ hội truyền thống diễn ra thường niên của tỉnh. Lễ hội năm nay, ước tính thu hút hàng vạn người dân, du khách đến với Ninh Thuận”.
Theo phong tục truyền thống của người Chăm theo đạo Bàlamôn, hằng năm, cứ vào ngày mùng 1.7 Chăm lịch là thời điểm diễn ra Lễ hội Katê. Điểm nhấn của Lễ hội Katê là lễ cúng thần Cha (Ngap padhi phuel bilan Katê) và thần Mẹ (Cambun). Thần Cha thuộc “dương” còn thần Mẹ thuộc “âm” nên Katê được tổ chức vào thượng tuần trăng, Cambun được tổ chức vào hạ tuần trăng.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống về Lễ hội, Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL ngày 20.6.2017 đưa Lễ hội Katê vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Bên cạnh đó, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để lãnh đạo thực hiện công tác phát triển, nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc, trong đó có đồng bào Chăm. Đối với tỉnh Ninh Thuận, các cấp Đảng ủy, chính quyền các địa phương đã chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Chăm gắn với thu hút du khách trong nước, quốc tế, nhờ đó nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm được duy trì và phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Chăm không ngừng được nâng cao.
XUÂN HƯỚNG